Sự thấu cảm dành cho nhân viên của người lãnh đạo: Ưu điểm và nhược điểm

Một số tổ chức đã nhận ra rằng chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp nằm ở tinh thần vui vẻ, hạnh phúc của nhân viên.
Do đó, khi nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển sang chiến lược: đặt nhân viên làm trung tâm, chúng ta nhận thấy những sự thay đổi về kỹ năng và chính sách nhằm đạt được mục đích làm hài lòng cả khách hàng và nhân viên.
Điều quan trọng nhất để cải thiện sự hài lòng của nhân viên liên quan đến kỹ năng quản lý. Sự thấu cảm, thấu hiểu là một trong số đó. Sự thấu cảm giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong team đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp hữu hình, tập trung vào con người.
Sau khi nhà tâm lý học Edward Titchner tìm ra từ này vào năm 1909, “thấu cảm” được định nghĩa là hành động nhìn nhận, hiểu và chia sẻ với cảm xúc của một người khác. Ngày nay, ý nghĩa của từ này đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng bài viết này sẽ tập trung phân tích xem ở môi trường công sở, sự “thấu cảm” của người quản lý với nhân viên có ưu và nhược điểm gì.
Tại sao sự thấu cảm khi làm lãnh đạo lại quan trọng?
Mỗi người lao động có một nền tảng và trải nghiệm của riêng họ, điều đó ảnh hưởng đến việc họ thể hiện như thế nào khi làm việc, những vấn đề gì ảnh hưởng đến họ và họ tiếp cận những mục tiêu nghề nghiệp như thế nào. Người làm quản lý nên hiểu những thử thách mà mỗi người trong team đang phải đối mặt. Nếu bạn đang làm việc trong công ty khởi nghiệp ngành thương mại điện tử với một team làm việc remote hoặc một công ty lớn với nhiều phòng ban, team quản lý sẽ cần phải “thấu cảm” để giải quyết các vấn đề.
Một người lãnh đạo có tính cách thấu hiểu nhân viên không chỉ phải hiểu được những khó khăn, những vấn đề nhân viên đang gặp phải mà còn phải linh hoạt khi xây dựng mối quan hệ để team làm việc dễ dàng hơn. Thiếu sự thấu cảm giữa các nhà quản lý cấp cao có thể làm mất đi nguồn nhân tài rộng lớn và khiến tỷ lệ hao hụt của bạn tăng lên. Nó cũng làm tổn thương tinh thần của nhóm và cản trở năng suất lao động.
Nhân viên nghỉ việc sẽ gây ảnh hưởng rõ ràng đến hoạt động của công ty. Trên thực tế, sử dụng số liệu tỷ lệ lương trung bình của năm 2019, Forbes đã tính được rằng: Trong một doanh nghiệp nhỏ (dưới 250 nhân viên), mức độ tập trung vào công việc của nhân viên thấp có thể tiêu tốn 3 triệu đô la một năm.
Những người lãnh đạo thành công biết được rằng: khi nhân viên thấy thoải mái là lúc họ đạt được năng suất lao động cao nhất. Điều đó có nghĩa rằng, thấu cảm chính là một kỹ năng quan trọng khi quản lý.
60% nhân viên có khả năng ở lại công ty trong 3 năm hoặc lâu hơn nếu họ cảm thấy bản thân được quan tâm, ngược lại chỉ có 7% nhân viên không làm điều đó.
Lợi ích của sự thấu cảm đối với tổ chức
Sự thấu cảm ở môi trường công sở cho nhân viên cảm thấy rằng họ được quan tâm về sự tiến bộ và phúc lợi của họ. Trong khi hầu hết các chủ doanh nghiệp tin rằng sự thấu cảm là đặc điểm quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào, 85% nhân viên tin rằng sự thấu cảm vẫn bị các tổ chức đánh giá thấp và các công ty cần thay đổi cách thể hiện sự thấu cảm.
Sự thấu cảm đã tiến hóa từ một kỹ năng mềm có-thì-tốt trở thành một kỹ năng quan trọng của một người lãnh đạo và một nơi làm việc tốt. Ở phần này, chúng ta sẽ nghiên cứu 3 lợi ích tổ chức sẽ nhận được từ sự “thấu cảm”.
1. Giúp tăng động lực làm việc và năng suất lao động
Khi người lao động cảm thấy những sự nỗ lực của mình được lắng nghe và quan điểm của họ được tôn trọng, họ muốn vượt lên trên vai trò của mình để nghĩ ra những ý tưởng mới và đóng góp tích cực.
Người lao động sẽ phản hồi như thế nào với một môi trường làm việc mà họ cảm nhận được sự quan tâm dành cho mình? Một nghiên cứu được thực hiện bởi học viện Limeade đã tiết lộ rằng văn hóa quan tâm khiến người lao động cảm thấy bản thân được gắn liền với công ty, quy đổi về sự trung thành: 60% nhân viên có khả năng ở lại công ty trong 3 năm hoặc lâu hơn nếu họ cảm thấy bản thân được quan tâm, ngược lại chỉ có 7% nhân viên không làm điều đó.
Sự thấu cảm giúp nâng uy tín của người lãnh đạo trong mắt nhân viên, xây dựng lòng tin và đóng vai trò như một công cụ tạo động lực. Nhân viên khi cảm thấy vấn đề của mình được thấu hiểu và chia sẻ bởi leader khả năng cao là sẽ thay mặt chủ lao động, hy sinh và đổi mới, tất cả đều là kết quả của sự thấu cảm.
Một nơi làm việc lấy sự thấu cảm làm trung tâm cũng giúp tạo nên một đội ngũ lao động năng suất cao khi lãnh đạo chủ động tìm kiếm giải pháp cho những điều nhân viên lo lắng. Một người lãnh đạo giàu sự thấu cảm hiểu rằng, khi bạn quan tâm đến nhân viên của mình, lợi ích của công ty từ đó cũng tăng nhờ chất lượng làm việc ngày càng cao.
2. Thúc đẩy sự hợp tác
Khi leader tạo ra một môi trường làm việc đầy sự thấu cảm, mọi người sẽ hợp tác với nhau hiệu quả hơn vì sự thấu hiểu và cổ vũ dành cho nhau. Điều này đặc biệt quan trọng với team làm việc remote, trái múi giờ hoặc khác biệt về thế hệ. Sự thấu cảm sẽ giúp thu hẹp những khoảng cách này bằng cách bù đắp vào cảm giác tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.
Mọi người cũng làm việc hiệu quả hơn khi họ thấy những ảnh hưởng tích cực của những người khác tới mình. Một bài báo bởi Harvard Business Review làm rõ điều này với một nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực nhà hàng. Đầu bếp tạo ra những món ăn có hương vị hấp dẫn hơn khi họ thấy rằng khách hàng yêu thích chúng, biến trải nghiệm dùng bữa trở thành mối quan hệ hợp tác giữa người biểu diễn và người khán giả.
Do đó, nếu nuôi dưỡng sự thấu cảm cho phép các thành viên trong team đánh giá tốt hơn những ảnh hưởng tích cực mà họ đang có với đồng nghiệp, khách hàng, tổ chức, họ sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong công việc.
3. Tăng cường sự đa dạng
Môi trường làm việc hiện đại thường tập hợp nhiều người với sự đa dạng về nền tảng khác nhau về “chung một mái nhà” về cả không gian thực và ảo, tạo nên một môi trường phong phú với rất nhiều quan điểm và kinh nghiệm làm việc.
Tuy nhiên, sở hữu môi trường làm việc quá đa dạng cũng mang đến nhiều thử thách. Sẽ có xung đột xảy ra giữa các team, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Khuyến khích sự thấu cảm sẽ giúp mọi người hiểu được giá trị của các cách tiếp cận và quan tâm khác nhau. Khi lãnh đạo thể hiện sự thấu cảm theo mọi hướng, họ cũng có xu hướng thúc đẩy sự đa dạng, từ đó giúp thu hút nhiều nhân tài hơn.
Sự thấu cảm có thể là chìa khóa khai thác được nhiều lợi ích của team đa dạng. Sự khác biệt trở thành điểm mạnh khi bạn xây dựng một team toàn diện thông qua quy trình bao hàm cả hỗ trợ bộ phận thiểu số. Một lần nữa, người quản lý phải đi đầu làm mẫu bằng cách thúc đẩy và thể hiện sự thấu cảm và hòa nhập với mọi người.
Tổ chức đang nhận ra những lợi ích của việc sở hữu những người quản lý có khả năng thấu cảm. Theo một bài báo trên Thời báo phố Wall, khoảng 20% chủ doanh nghiệp ở Mỹ tập trung đào tạo về kỹ năng “thấu cảm” cho những người quản lý, nhấn mạnh sự quan trọng của kỹ năng này. Hi vọng rằng, con số này sẽ không ngừng tăng lên.
Nhưng sự thấu cảm cũng có nhược điểm
Khi thấu cảm trở nên quan trọng, nó cũng sẽ mang lại những mặt hại tiềm ẩn. Tôi không chủ đích nói rằng thấu cảm là điều xấu, chỉ là vẫn có những trường hợp mà thấu cảm không hiệu quả hoặc gây ra những kết quả có hại.
Dưới đây là 3 hậu quả mà sự thấu cảm có thể gây ra:
1. Thấu cảm có thể là một cảm xúc thoáng qua
Bất kể sự bùng nổ cảm xúc mạnh mẽ nào cũng có xu hướng biến mất nhanh chóng, và điều này đúng với thấu cảm. Khi bạn nghe về vấn đề của người đồng nghiệp, chúng có thể khiến bạn dạt dào cảm xúc, nhưng cảm giác ấy sẽ sớm phai nhạt giữa sự nhộn nhịp của văn phòng và bị lãng quên giữa danh sách dài những việc bạn đang phải làm.
Thấu cảm mà không đi cùng với những giải pháp mang tính xây dựng và kỷ luật đối với nhân viên sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Nó thậm chí còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn, khiến mọi người cảm thấy như họ chỉ đang nói suông để xoa dịu họ mà không có một hành động nào.Nói cách khác, một sự thấu cảm được thể hiện thoáng qua là không đủ, người lãnh đạo nên hướng tới tìm kiếm giải pháp và theo dõi để đảm bảo vấn đề được giải quyết.
2. Thấu cảm có thể dẫn đến những quyết định sai lầm
Khi để cảm xúc chi phối những quyết định của bạn, ta có thể bị lạc lối giữa lợi ích giữa một cá nhân và tổ chức, hay hậu quả khi vô tình coi thường hoặc thậm chí là làm hại người khác. Nhà tâm lý học Paul Bloom, trong cuốn Against Empathy đã chỉ ra rằng thấu cảm có thể phương thức đưa đến những quyết định sai lầm. Nó gợi lên một phản ứng cảm xúc, thường sẽ phải trả giá bằng các giải pháp hợp lý khác.
Cũng có thể khi cố gắng thấu cảm, người lãnh đạo có thể hiểu sai một vấn đề và dự đoán của họ về vấn đề đó đã khiến mọi thứ còn tệ hơn. Trong khi cố gắng để sẵn sàng đầu tư cảm xúc, người lãnh đạo có thể chưa tính đến trải nghiệm của mỗi người là khác nhau. cuối cùng, họ tập trung vào những gì bản thân sẽ làm trong một tình huống nhất định thay vì thừa nhận rằng cá nhân hoặc nhóm họ đang cố gắng giúp đỡ có thể thích một cách tiếp cận khác. Nhận thức không phù hợp như vậy có thể dẫn đến những quyết định sai lầm không giúp giải quyết được vấn đề thực tế.
Cho dù nỗ lực của bạn có thiện chí đến mức nào, sự thiếu nhận thức về những cạm bẫy có thể xảy ra khi quyết định bằng sự thấu cảm sẽ dẫn đến một số vấn đề. Để tránh điều đó, hãy cố gắng lưu ý những thành kiến xác nhận của riêng bạn (tức là chỉ giữ lại một cách chọn lọc những vấn đề của nhân viên trước đó đã cần bạn hỗ trợ) trước khi bạn cố gắng phân tích tình huống và đưa ra giải pháp.
3. Thấu cảm có thể tác động đến sự đa dạng
Khi thấu cảm giúp các team đa dạng làm việc cùng nhau tốt hơn, nhưng đồng thời nó cũng khiến việc tuyển dụng team đa dạng khó khăn hơn. Nguyên nhân là do mọi người có xu hướng đồng nhất và dễ thấu cảm hơn với những người có cùng nền tảng và kinh nghiệm với mình. Phản ứng tự nhiên này có thể dẫn đến việc nhà quản lý thể hiện sự ưu tiên đối với ứng viên tương tự như họ, dẫn đến các team sẽ đồng nhất thiếu sự đa dạng. Đào tạo “thiên vị” sẽ giúp nhà quản lý nhận ra khuynh hướng này và nhắc nhở họ mở rộng quan điểm của mình.
4. Thấu cảm có thể dẫn đến kiệt sức
Thật khó khi phải thấu cảm với rất nhiều người cùng một lúc, và cố gắng để làm điều đó cuối cùng sẽ phải gánh chịu sự tổn thương về cảm xúc. Với lý do này, quản lý của một team với số lượng lớn sẽ bị kiệt sức khi cố gắng thấu cảm với tất cả mọi người.
Khi thấu cảm rất quan trọng, đặc biệt là khi giải quyết những xung đột, mức độ tách rời cảm xúc khỏi công việc sẽ tốt cho sức khỏe. Quản lý phải học cách vượt qua ranh giới này để tránh khỏi bị kiệt sức.
Quy trình giải quyết vấn đề của bạn cần có sự thấu cảm để đạt kết quả tốt nhất
Sự thấu cảm là một trong những động lực hiệu quả nhất thúc đẩy sự gắn bó, trung thành và đa dạng ở nơi công sở. Nó giúp các team cảm thấy được đánh giá cao, giúp họ làm việc nhóm tốt hơn và thúc đẩy họ cố gắng cho các mục tiêu chung.
Tuy nhiên, thấu cảm không thôi là chưa đủ để cung cấp sự giúp đỡ đáng tin cậy và thậm chí ngay cả những ý định tốt nhất đôi khi cũng trở nên tồi tệ khi tình cảm che mất đi lý trí. Tính thấu cảm khi làm lãnh đạo nên được đồng hành với quy trình giải quyết vấn đề dựa trên những gì tốt nhất cho những người có liên quan, và các chiến lược cụ thể để đưa ra giải pháp. Đạt được sự cân bằng này sẽ giúp bạn dùng sức mạnh của sự thấu cảm để tạo ra một lực lượng lao động vui vẻ và sáng tạo hơn.
Nguồn: https://www.bamboohr.com/blog/empathy-in-leadership-the-good-and-the-bad/